logos

BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY HOA HỒNG

Khi bạn trồng cây hoa hồng lần đầu, ắt hẳn bạn sẽ rất bối rối và lo lắng khi cây có những biểu hiện lạ có phải không? Thông thường thì vào mùa xuân, khi thời tiết mát mẻ và có độ ẩm không khí cao thì sẽ tạo điều kiên thích hợp để cho cây phát triển, tuy nhiên, song hành với đó cũng là thời điểm bệnh nấm hại cây phát triển mạnh nhất. Cùng điểm qua các loại bệnh hại này để biết cách phòng ngừa và chữa trị cho cây bạn nhé.

 

1. Bệnh đốm đen

Bệnh đốm đen là một loại bệnh rất khó trị. Thường xuất hiện, gây hại từ đầu tháng 3, hại nặng vào tháng 4-5. Bệnh lan rộng và nhanh lúc khí hậu ẩm ướt. Biểu hiện bệnh lúc đầu là những chấm nâu, về sau chuyển thành đen xuất hiện trên các bề mặt lá. Những chấm này tròn hoặc không đều làm cho lá cây rụng sớm dần, các chồi non cũng bị lây bệnh. Giai đoạn từ 6 đến 14 ngày sau khi trồng là rất dễ bị nhiễm bệnh.

Nguyên nhân: là do nấm Marssonina rosae Lib gây ra. Thuộc nấm bất toàn, nhiệt độ để nấm dễ dàng phát triển là 22-26ºC, độ ẩm >85%.

Cách phòng ngừa: nên thường xuyên làm vệ sinh xung quanh vườn. Khi tưới nước nên tránh để đọng nước lại trên lá và tốt nhất nên tưới vào buổi sáng nắng. Cần phải đốt hủy lá bệnh, lá già gần mặt đất. Đồng thời phun thuốc Anvil, Benomyl, Topsin M, Folpet, Maneb… định kỳ một tuần/lần.

2. Bệnh rỉ sắt (Rust)

Bệnh có biểu hiện ban đầu là những chấm nhỏ vàng trong hoặc màu nâu, về sau các chấm này có màu vàng cam hơi đỏ, xuất hiện ở mặt dưới lá, ổ bệnh che phủ toàn bộ mặt dưới lá đôi khi là những mụn riêng lẻ. Giai đoạn bào tử có hại có màu đỏ cam tồn tại 10-14 ngày trong điều kiện môi trường thuận lợi, đôi khi hại cả hoa.

Nguyên nhân: do nấm Phragmidium mucronatum gây ra. Bào tử lan truyền trong không khí, trên tàn dư cây bệnh còn sót lại, nhiệt độ cho nấm phát triển là 18-21ºC.

Cách phòng ngừa: cần phải thu dọn tàn dư lá bệnh đem đốt. Bạn lưu ý chỉ nên tưới nước vừa phải và kết hợp phun thuốc Plantvax, Bavistin, Zinneb, Topsin M….
 

3.Bệnh phấn trắng.

Bệnhphấn trắng là loại bệnh hại lá, thân, cuống hoa, đài hoa và cánh hoa. Bệnh biểu hiện trên những phần non của cây đang tăng trưởng, phủ một lớp nấm trắng như bột làm cho lá bị khô héo và rụng hàng loạt.

Nguyên nhân: do nấm Peronospora sparsa gây ra. Nấm thích hợp ở độ ẩm 85%, nhiệt độ 18ºC, nếu nhiệt độ 27ºC nấm sẽ chết sau 24 giờ.

Cách phòng ngừa: bạn nên cắt hủy bỏ những cành lá bị bệnh, sau đó bón thêm phân có Kali để tăng sức chống chịu cho cây và dồng thời phải phun thêm thuốc Kasuran, Derosal, Ridomil…..cho cây
 

4. Bệnh chết thân

Bệnh chết thân hay còn gọi là bệnh héo có biểu hiện trên các ngọn bị héo nhưng vẫn còn xanh, các lá thấp dưới bị vàng, ban đêm có thể hồi phục nhưng sau vài ngày cả phần ngọn cũng chuyển sang màu vàng sau cùng là màu nâu, tàn úa và chết. Thường sẽ bắt đầu chết từ ngọn đi xuống. Trên hoa bị những vệt đen dọc theo chiều dài của cánh hoa. Bệnh hại nặng trong mùa hè khi thời tiết bị khô hạn, hoa hồng trồng ngoài trời ít bị bệnh này hơn hoa hồng được trồng trong chậu. Bệnh lây nhiễm qua vết cắt, vết thương trong khi chăm sóc, tỉa cành. Khi điều kiện môi trường thuận lợi thì hại cả thân cây làm cây bị đổ gãy hoặc thân cây bị sần sùi.

Nguyên nhân: do nấm Verticillium albo-atrum Berth gây ra lây truyền qua các mô, mắt ghép trong quá trình cấy mô.

Cách phòng ngừa: Muốn cây hoa hồng không nhiễm bệnh, người trồng nên kiểm soát tốt nguồn nước tưới và  đất trồng. Nên tưới nước cho cây từ nguồn nước sạch. Chọn lựa những loại đất thịt, đã qua canh tác lâu năm. Nếu cây nhiễm bệnh bạn có thể sử dụng 2 loại thuốc Score 250EC và Agri - Fos 400 (phosphonate) để chữa trị cho cây.

5. Bệnh thán thư

Bệnh thường hại trên lá hoa hồng nhất là hồng dại, ban đầu trên lá có những đốm lưa thưa hoặc hợp lại thành đám bắt đầu từ rìa mép lá lan vào bên trong theo đường vòng cung nên vết bệnh cuối cùng có hình bán nguyệt, nếu bị bệnh ở giữa phiến lá thì vết bệnh có hình tròn, màu nâu xung quanh viền màu nâu đỏ, trên vết bệnh hình thành các điểm đen nhỏ li ti đó là đĩa cành của nấm gây bệnh. Khi bệnh nặng các mô bệnh khô chết làm rách lá nên mép lá bị bệnh có thể bị khuyết. Trên thân, cành bị bệnh cũng có vết nứt dọc màu hồng, sau chuyển qua màu nâu, cành bị bệnh suy yếu dễ gãy. Trên hoa và đài cũng có thể bị bệnh nhưng ít gặp hơn. Bệnh gây hại nặng vào mùa xuân, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, bào tử lan truyền từ nước tưới.

Nguyên nhân: do nấm Sphaceloma rosarum (Pass)(Elsinoe rosarum) gây ra

Cách phòng ngừa: khi phát hiện xuất hiện bệnh trên cây, bạn không nên tưới nước trực tiếp lên lá, cách ly cây bệnh và phun trên cả hai mặt lá thuốc Score 250ND, Rocksai Super 525SE, Cure Super 300EC, Help 400SC, Nevo 330EC,…
 

 

Trên đây là tổng hợp các loại bệnh thường gặp trên cây hoa hồng nói chung. Bạn xem và tham khảo. Nếu cây của bạn có vấn đề khác thường, hãy liên hệ ngay với nhà vườn để tìm được phương án loại bỏ bệnh hại nhanh và tốt nhất nhé. Kinh nghiệm và sự tận tâm của chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết những lo lắng!

 

Những bài viết mới nhất