logos

SÂU GÂY BỆNH TRÊN HOA HỒNG

Cây hoa hồng dễ trồng nhưng lại đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Cây thường bị các loại sâu gây bệnh làm chết lá, nụ hay hoa, khiến cây tàn úa và kém phát triển. sau đây, chúng tôi xin liệt kê các loại sâu thường gặp trên cây hoa hồng và các biện pháp phòng trừ sâu để cây phát triển tốt tươi hơn.

 

1. Rệp (Toxoptera auranti)

Rệp trưởng thành dài 3-4mm, nhìn chung có màu xanh nhạt, có khi màu đỏ vàng xám.

Rệp thường tập trung ở đọt non và nụ, một số ít hại lá. Ở bộ phận bị hại thường tiết ra mật dễ làm phát sinh bệnh muội đen.

Trời ấm và khô rệp hoạt động mạnh. Vào mùa mưa thì ít hơn. Khi nhiệt độ trong không khí khoảng 20ºC và độ ẩm đạt 70 – 80% thì rệp sẽ sinh sản rất nhanh.

Biện pháp phòng trừ:

- Bón phân vừa đủ, hạn chế bón nhiều đạm.

- Tưới đủ nước cấp ẩm

- Có thể áp dụng biện pháp tưới phun mưa với áp lực cao để rửa trôi rệp.

- Hiện chưa có thuốc đặc trị để phòng ngừa rệp hại hoa hồng. Có thể tham khảo sử dụng một số hoạt chất: Imidacloprid, Thiamethoxam, Buprofezin để phòng trừ.

 

2. Bọ phấn (Bemisia tabaci)

Toàn thân bọ phấn trưởng thành phủ một lớp phấn trắng. Trứng có hình bầu dục có cuống, vỏ mỏng, mới đẻ trong suốt, sau chuyển sang màu vàng sáp trong - màu nâu xám. Khi đẻ trứng được cắm vào lá và xếp dựng đứng. Sâu non có màu vàng nhạt, hình ovan, sâu mới nở có chân và bò dưới mặt lá. Sâu non chưa có phấn bao phủ.

Bọ phấn chích hút nhựa ở những bộ phận non. Bọ trưởng thành gây hại thường để lại một lớp bụi phấn màu trắng, sau khi gây hại chúng thường tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển. Bọ phấn thường gây hại mạnh vào mùa khô. Đặc biệt bọ không thích ánh sáng trực xạ, khi nắng to hoặc mưa chúng thường nấp vào dưới lá gần mặt đất và những nơi rậm rạp.

Biện pháp phòng trừ:

- Thường xuyên vệ sinh nơi trồng cây, ngắt bỏ lá già, các bộ phận bị hại

- Dùng bẫy dính màu vàng để dẫn dụ và tiêu diệt bọ phấn.

- Tiêu huỷ triệt để tàn dư cây trồng.

- Sử dụng thuốc Dinotefuran (Oshin 100 SL) để phòng trừ.

 

3. Bọ trĩ (Thrips palmi)

Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ, màu vàng nhạt, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ. Sâu non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt. Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, màu hoa nhạt, lá non và cánh hoa biến dạng xoăn lại, cây sinh trưởng kém. Tại vết chích có những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có một chấm vàng, lúc đầu vàng trắng sau biến thành nâu đen.

Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng. Tuy nhiên vòng đời của chúng rất ngắn, trung bình 12-15 ngày, sức sinh sản mạnh và có khả năng kháng thuốc cao.

Biện pháp phòng trừ:

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ trĩ

- Bọ trĩ là loài côn trùng có khả năng quen thuốc cao, vì vậy cần luân phiên thay đổi khi sử dụng thuốc

- Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ: Emamectin benzoate (Susupes 1.9 EC), Spinetoram (Radiant 60SC), Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20 EC)

 

4. Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

Nhện đỏ rất nhỏ, nhện non màu vàng cam. Ở nhện trưởng thành: con cái mình tròn màu đỏ tươi ở phần bụng và đỏ sẫm ở phần hông, hai bên lưng có nhiều đốm đen chạy dài từ ngực xuống cuối bụng. Con đực nhỏ hơn, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói.

Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá và thường chích hút dịch trong mô lá và hoa tạo thành vết hại có màu sáng, dần dần các vết chích này liên kết với nhau. Khi bị hại nặng, lá cây hoa hồng có màu nâu phồng rộp, vàng rồi khô và rụng đi. Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng.

Vòng đời nhện đỏ khoảng 15 ngày, tuy nhiên mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng.

Biện pháp phòng trừ:

- Đảm bảo vườn cây thông thoáng.

- Tưới đủ ẩm trong mùa khô.

- Bón phân đầy đủ, cân đối.

- Khi mật độ nhện hại cao có thể sử dụng biện pháp tưới phun để rửa trôi nhện.

- Nhện đỏ là loài dịch hại có khả năng kháng thuốc cao, vì vậy khi sử dụng cần luân phiên, thay đổi thuốc khi sử dụng: Abamectin (Reasgant 1.8 EC, 3.6EC), Milbemectin (Benknock 1 EC), Emamectin benzoate (Tasieu  1.9EC, Map Winer 5WG), Fenpropathrin  (Vimite 10 EC), Fenpyroximate (Ortus 5 SC), Hexythiazox (Nissorun 5 EC), Propargite (Atamite 73EC).

 

5. Sâu xanh (Helicoverpa armigera)

Trứng hình bán cầu, khi mới đẻ có màu vàng nhạt, gần nở có màu xám tro hay xanh nhạt.

Sâu non mới nở màu xanh nhạt có chấm đen to trên ngực, đầu đen, hoạt động mạnh, bò khắp nơi. Cơ thể bao phủ nhiều u lông nhất là đốt bụng đầu tiên và đốt bụng cuối cùng trên lưng mỗi đốt có 2 u lông lớn. Đầu sâu non màu vàng nâu.

Sâu xanh là loài sâu đa thực, ngoài các cây hoa còn hại nhiều cây trồng khác. Sâu xanh thường phá lá non, ngọn non, nụ và hoa. Sâu tuổi 1 ăn phần thịt lá chừa lại biểu bì. Từ tuổi 2 trở đi đục vào nụ, ăn rỗng nụ và hoa, di chuyển từ nụ này sang nụ khác. Khi đẫy sức, sâu sẽ chui xuống đất làm kén hoá nhộng. Sâu trưởng thành hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn nấp dưới bụi cỏ, lá cây. Vòng đời trung bình khoảng 42-50 ngày. Nhiệt độ thích hợp cho sâu phát triển gây hại là 25-28ºC và độ ẩm là 70-75%. Đất khô (độ ẩm < 30%) rất dễ làm chết nhộng.

Biện pháp phòng trừ:

- Thu gom các bộ phận bị hại (lá, hoa, nụ) đem tiêu hủy.

- Sử dụng một trong các thuốc sau để phòng trừ: Abamectin (Plutel 1.8 EC, 3.6EC; Reasgant 1.8 EC, 3.6EC), Emamectin benzoate (Tasieu 1.9 EC), Bacillus thuringiensis (Delfin WG, Thuricide HD, OF 36BIU)

 

Những bài viết mới nhất